4 BƯỚC lập kế hoạch tài chính cá nhân thông minh

Tài chính cá nhân
Tài chính
BởiNhat Tien-21 tháng 4, 2025

Mỗi chúng ta đều có những ướt mơ và dự định trong tương lai, có người chỉ giữ trong lòng, nhưng cũng có người chịu khó ghi ra cụ thể trong những quyển sổ tay bé xinh. Thế nhưng, điểm chung là hơn 50% những mong muốn này đều bị lãng quên, và thứ còn lại chỉ là cảm giác tiếc nuối khi chúng ta nhận ra rằng: Sẽ chẵng bao giờ mình có thể đạt được.

Có phải bạn đây không? Nếu đúng là bạn thì giờ hãy cùng Mr. Waza tìm hiểu 4 bước, giúp lập nên một bảng kế hoạch thông minh có thể biến ướt mơ của bản thân thành hiện thực nha!

Đặt mục tiêu thông minh

Khởi đầu của mọi mục tiêu là việc cụ thể hóa chúng, vì lẻ đơn giản là bạn sẽ dễ bị lạc đường nếu không biết mình muốn đi về đâu, vậy cụ thể hóa mục tiêu như thế nào? Phương pháp nỗi tiếng mang tên "SMART Goal" cho chúng ta 5 tiêu chí đơn giản nhất để biến một mong muốn mơ hồ thành một mục tiêu rõ ràng và thực tế hơn, cụ thể như thế này:

Chữ S đầu tiên là Specific, nghĩa là cụ thể đó. Ví dụ ướt mơ "mua nhà" chung chung thì nên được cụ thể hóa hơn thành "Mua căn chung cư Flora Mizuki 76m2 ở Bình Chánh giá 3 tỷ".

Chữ M tiếp theo là Measurable, nghĩa là có thể đo lường được tiến độ thực hiện. Ví dụ bạn tích góp được 1.5 tỷ, nghĩa là bạn đã đi được phân nữa con đường đến mục tiêu rồi đó.

Chữ R là Relevant, nghĩa là có liên quan và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Ví dụ bạn dự định có con thì việc mua nhà sẽ hợp lý hơn là để tiền mua một chiếc xe sang.

Chữ T là Timed, nghĩa là có thời gian thực hiện cụ thể. Ví dụ dự định 5 năm nữa có gia đình và cần mua nhà 3 năm sau đó, thì thời gian để tích lũy là 8 năm.

Giờ quay lại chữ A là Achievable, nghĩa là tính khả khả thi. Mình để tiêu chí này sau cùng, bởi vì việc trả lời được một mục tiêu có khả thi hay không cũng không hề dễ chút nào. Giả sử bạn chỉ có ướt mơ duy nhất là mua nhà, và một tháng bạn tiết kiệm được 10 triệu, thì sau 8 năm bạn có thêm 960 triệu, cộng với 1.5 tỷ có sẵng là gần 2.5 tỷ. Vay thêm 500 triệu nữa là đủ 3 tỷ rồi. Nhưng bạn có tính tới việc chi tiêu sẽ gia tăng theo lạm phát hay thu nhập có thể suy giảm làm cho tiền tiết kiệm bị bào mòn không? Dư 10 triệu giảm còn 3 triệu thì xem như mục tiêu bất khả thi. Mới một mục tiêu đã phức tạp, vậy có nhiều hơn thì đánh giá tính khả thi thế nào? Chờ hồi sau sẽ rõ há!

Cân đối thu nhập và chi tiêu

Phương pháp "SMART Goal" giúp bạn cụ thể hóa lại tất cả những mong ướt trong cuộc sống, tuy nhiên để chúng trở thành hiện thực bạn cần phải có quá trình tích lũy cho từng mục tiêu. Có 2 nguồn chính để tích lũy, một là thặng dư từ chênh lệch của thu nhập và chi tiêu hàng tháng, và hai là tiền lời từ đầu tư, cái mình sẽ nói tới trong phần tiếp theo nha.

Nếu bây giờ mình hỏi bạn "Tháng trước dư bao nhiêu?" thì bạn có trả lời được chính xác ngay không? Khả năng cao bạn sẽ hơi ngập ngừng, và câu trả lời sẽ mang tính phỏng đoán mơ hồ. Giờ thử câu khác dễ hơn nè, vậy tuần trước bạn chi tiêu bao nhiêu tiền? Nếu bạn không trả lời được luôn, thì khả năng cao là bạn đang mắc hội chứng "Mù tài chính" rồi đó. Thói quen chi tiêu buôn thả, thậm chí phải đi vay mượn người khác, thường bắt nguồn từ hội chứng này. Vì vậy để thực hiện được các mục tiêu đề ra, bạn phải trị "bệnh mù" trước cái đã. Ví dụ vừa góp 1 triệu cho buổi ăn nhậu với bạn bè, thì phải ghi nhận lại ngay. Rồi mới nhận lương 20 triệu từ công ty thì cũng cần lưu lại liền. Làm như vậy để làm gì?

Thứ nhất, cuối tháng mà thấy không còn dư một đồng thì mở lịch sử ra xem, sẽ biết mình đã chi hoang phí những khoản nào, để có kế hoạch cắt giảm trong tháng sau nếu muốn có dư.

Thứ hai, để cắt giảm chi tiêu bạn cần lập ngân sách, ví dụ bạn có thể giới hạn chi mua sắm dưới 3 triệu, tới giữa tháng mà thấy chi hơn 2.5 triệu rồi thì bớt bớt lại há.

Thứ ba, việc ghi nhận thu chi mỗi tháng giúp bạn đánh giá được sức khỏe tài chính của mình thông qua tỷ lệ dư, nếu trên 30% thì tình hình tài chính của bạn đang khá là ổn đó.

Như vậy, việc ghi nhận thu chi, lập ngân sách và theo dõi tỷ lệ dư sẽ giúp bạn cân đối chi tiêu, gia tăng thặng dư và cả khả năng đạt được mục tiêu trong tương lai rồi đó.

Quản lý tài sản và nợ vay

Nếu bạn quản lý chi tiêu hợp lý để tích góp đều đặn, thì sớm muộn tài sản của bạn sẽ lớn lên dần, và chính khối tài sản này sẽ giúp bạn thực hiện những dự định của mình. Tuy nhiên, như một cái cây chờ ngày ra quả ngọt, bạn không thể để nó tự phát triển được, khối tài sản của bạn cần phải được theo dõi định kỳ và chăm bón một cách kỹ lưỡng nha.

Để quản lý tài sản hiệu quả, bạn cũng cần phải trị bệnh "mù tài chính" trước, nghĩa là làm gì làm bạn phải biết được chính xác mình đang sở hữu những gì và chúng trị giá bao nhiêu? Đó có thể là "tài sản hữu hình" như con air blade 50 triệu, loại này còn được gọi là "tiêu sản" vì giá trị sẽ giảm đi theo thời gian mà lại còn tốn kém chi phí bảo dưỡng. Đó cũng có thể là "tài sản đầu tư" như 70 triệu mua vàng, hay 100 triệu gửi ngân hàng, loại này sẽ gia tăng theo thời gian nhưng lại không tốn chi phí bảo trì như tiêu sản. Nói tới đây thì bạn đủ hiểu, chính các tài sản đầu tư mới là nền tảng để bạn tích lũy cho các mục tiêu lâu dài, tỷ lệ đầu tư mà trên 30% thì mới gọi là hợp lý.

Tuy nhiên, nói tới tài sản là chưa đủ nếu không nhắc tới mặt trái của chúng là những khoản nợ vay dùng để mua những loại tài sản này hoặc đơn giản là để chi tiêu. Đây có thể là 200 triệu vay mua ô tô không lãi, hoặc 1 tỷ vay đầu tư bất động sản với lãi suất 10%/năm, hay chỉ là 10 triệu vay tín chấp lãi 30%/năm để mua con Iphone mới. Dẫu có bao nhiêu khoản vay thì bạn cũng phải để ý tới tỷ lệ nợ trên tổng tài sản, nếu số này vượt quá xa 30% thì phải sớm có kế hoạch trả nợ để giảm rủi ro nha.

Vậy, để mục tiêu khả thi, bạn cần gia tăng tỷ lệ đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng tài sản, đồng thời giữ tỷ lệ nợ an toàn để hạn chế những áp lực tài chính trong tương lai đó.

Xây dựng kế hoạch cho tương lai

Tới đây, bạn đã biết mình muốn đi đến đâu là những mục tiêu, bạn đang ở chỗ nào là tài sản đầu tư hiện có, cũng như phương tiện sẽ đưa bạn đến đó là thặng dư hàng kỳ.

Cho dễ hiểu, giả sử bạn dự định mua ô tô 500 triệu trong 5 năm nữa, rồi một căn hộ 2.5 tỷ trong 10 năm và tích lũy đủ 10 tỷ để về hưu trong 30 năm tới. Thêm vào đó, bạn thu nhập 240 triệu và chi tiêu 140 triệu/năm, nghĩa là dư 100 triệu mỗi năm, và hiện tại bạn đang có 2 tỷ tiền mặt. Vậy xây dựng kết hoạch tài chính như thế nào?

Để đơn giản, giả sử bạn chỉ tích lũy tiền mặt chứ không đầu tư loại hình khác, thì 5 năm sau bạn sẽ có thêm 500 triệu nữa là 2.5 tỷ, mua xe 500 triệu thì còn 2 tỷ. 5 năm sau có thêm 500 triệu nữa là có đúng 2.5 tỷ để mua nhà, xong thì hết tiền. Và 20 năm còn lại bạn cũng tích lũy được có 2 tỷ, vậy là vỡ kế hoạch về hưu.

Giờ kế hoạch không khả thi rồi, phải làm sao đây? Thì bạn cần điều chỉnh cho tới khi nào khả thi chứ sao nữa. Chỉnh thì có nhiều hướng khác nhau, bao gồm 3 hướng cơ bản như vầy:

Một là chỉnh mục tiêu, có 2 tỷ tích lũy 30 năm nữa được 5 tỷ, vậy thì 3 mục tiêu cộng lại bằng 5 tỷ là chuẩn, ví dụ: Xe 50 triệu, nhà 1.45 tỷ, nghỉ hưu 3.5 tỷ.

Hai là tăng thặng dư, có 2 tỷ thì cần tích lũy thêm 11 tỷ trong 30 năm nữa mới đủ cho 3 mục tiêu là 13 tỷ, lấy 11 tỷ chia 30 năm thì phải dư gần 367 triệu/năm.

Ba là phải đầu tư, nếu chỉ cần gửi 2 tỷ và 100 triệu dư ra mỗi năm vào ngân hàng với lãi suất 6,3%/năm, thì bạn sẽ có đủ tiền cho cả 3 mục tiêu rồi đó.

Nếu cùng kết hợp cả 3 hướng này lại bạn sẽ có một kế hoạch còn tối ưu hơn nữa, tuy nhiên sẽ rất phức tạp mà chỉ có các thuật toán AI mới có thể xử lý được nha

Cái kết

Vậy là bạn đã đi qua 4 bước cho 1 kế hoạch tài chính phù hợp rồi đó, từ đặt mục tiêu, cân đối thu chi, quản lý tài sản và nợ, rồi xây dựng và điều chỉnh kế hoạch. Nhìn sơ có vẻ cả quá trình này sẽ ngốn khá nhiều thơi gian đúng không? Không hề! Nếu bạn biết đến những ứng dụng hỗ trợ quản lý gia sản thông qua công nghệ AI thì dễ ẹc hà.

Quan trọng là bạn có lo cho tương lai không thôi! Nếu bạn thấy video hữu ích cho bạn bè của mình thì đừng quên để lại bình luận, thích và chia sẻ nha, xin chào và hẹn gặp lại!