Bạn đã sẵn sàng để thất nghiệp?

Tài chính cá nhân
BởiNhat Tien-25 tháng 3, 2025

Kinh tế ngày một bất ổn, công nghệ tự động hóa và AI thì ngày càng trở nên thông minh hơn, việc giữ được công việc ổn định ngồi chơi xơi nước như ngày xưa... thì đã xưa lắm rồi. Vậy bạn đã chuẩn bị gì từ tinh thần, tư duy tới tài chính cho viễn cảnh này chưa? Nếu chưa, thì hãy cùng Mr. Waza đi tìm câu trả lời nha

Tại sao bạn sẽ thất nghiệp?

Giờ thử google trend với cụm từ "sa thải" để thấy bức tranh lớn hơn, thì xu hướng này thực ra đã bắt đầu từ 2024 rồi và tầng suất ngày một dày hơn trong những tháng đầu năm 2025. Lấy một so sánh cho dễ hiểu, thì về tầng suất và quy mô sa thải của giai đoạn này còn lớn hơn cả giai đoạn mà dịch bệnh Covid hoành hành trong năm 2021 và 2022 nữa. Nói gì nói, đây cũng chỉ là số liệu thống kê, và đây cũng chỉ là chuyện của một ai đó khác chứ không phải của bạn. Vậy bạn có nghĩ lúc nào đó sẽ đến mình không?

Cuối năm 2024, một nghiên cứu trên trang báo nỗi tiếng Harvard Business Review cho biết kể từ khi chatGPT ra đời, số lượng tuyển dụng các công việc dễ tự động hóa giảm thê thảm luôn. Vậy công việc của bạn có dễ bị tự động hóa hay không? Để trả lời câu hỏi này, bạn cần biết bản thân đang thuộc nhóm công việc nào trong 5 nhóm sau đây:

Nhóm đầu tiên, rủi ro cao nhất, là công việc hành chính văn phòng vốn dĩ đã có quy trình lập đi lập lại rõ ràng, ví dụ như kế toán, văn thư hay dịch vụ hỗ trợ khách hàng

Nhóm thứ hai, rủi ro cũng khá cao và tác động rõ ràng hơn là những công việc sáng tạo, như thiết kế, viết content, sáng tác nhạc đều đã có AI đảm đương các tác vụ cơ bản

Nhóm thứ ba, rủi ro trung bình, nhưng cũng bắt đầu gặp áp lực đó là marketing và sales vì các công việc phân tích nhu cầu, cá nhân hóa sản phẩm cũng được AI làm khá tốt

Nhóm thứ tư, an toàn hơn vì cộng tác được với AI đó là công nghệ thông tin, khi mà AI có thể viết và sửa code, nhưng chưa giải quyết được vấn đề lớn chuyên sâu như con người

Nhóm thứ năm, an toàn nhất là quản trị và lãnh đạo vì nó đòi hỏi trí tuệ cảm xúc, tư duy chiến lược và kỹ năng đưa ra quyết định, cái mà AI tạm thời chưa thế làm được

Bạn có lựa chọn nào?

Với một viễn cảnh mà AI và công nghệ tự động hóa sẽ dần lấy đi công việc của chúng ta trong 5 năm tới, bạn sẽ có những lựa chọn nào? Lựa chọn đầu tiên dễ làm nhất chính là bước ra khỏi cuộc chơi, thoát ra khỏi thị trường lao động để không phải kéo dài cuộc đua mệt mỏi và không cân sức với AI nữa. Lựa chọn này có thể làm bạn thoải mái trong vài năm đầu, nhưng nỗi đau sẽ tăng dần khi mà thu nhập suy giảm, tài sản bị bào mòn và các áp lực tài chính cũng gia tăng.

Bạn nên nhớ, khi túi tiền bị thu hẹp thì lạm phát vẫn tăng mỗi ngày, rồi nợ vẫn phải trả đúng lịch, thì sớm muộn bạn cũng rơi vào cảnh kiệt huệ, thậm chí là phá sản. Lựa chọn thứ hai đó là tiếp tục cuộc chơi và bạn phải có những thay đổi rất lớn kể từ hôm nay. Vậy đó là những thay đổi gì?

Thứ nhất, bạn phải nhận thức được chúng ta đã chính thức bước vào kỷ nguyên của sự thay đổi cực kỳ nhanh chóng, hôm nay đang vui vẻ với đồng nghiệp, mai bị sa thải là chuyện bình thường. Chấp nhận được sự thật đó, không đau khổ, không bị shock và vẫn ung dung bước tiếp là một thái độ rất cần thiết cho tương lai của bạn nếu không muốn rơi vào lựa chọn đầu tiên.

Thứ hai, đừng chỉ dừng lại ở việc học kỹ năng sử dụng AI như các chuyên gia hay khuyến nghị, mà còn phải sớm tham gia vào các tổ chức làm chủ được thuật toán công nghệ AI. Vì đây sẽ là những định chế có lợi thế cạnh tranh bền vững trong kỹ nguyên mới so với những công ty chỉ biết đi sau và ứng dụng AI đơn thuần mà thôi

Thứ ba, hãy dừng lại ngay việc theo đuổi những ảo mộng về "tự do tài chính" đi, để hướng đến kỹ năng cực kỳ quan trọng trong tương lai mà mình gọi là "thích nghi tài chính"

Điểm yếu của "tự do tài chính"

Về bản chất, mục tiêu "tự do tài chính" không sai, vì ai mà không muốn có tài sản và thu nhập thụ động đủ nhiều để trang trải các chi phí sinh hoạt và không phải đi làm chứ. Cái sai ở đây là mục tiêu này chỉ phù hợp cho kỷ nguyên ổn định của nhiều năm về trước. Trong thời đại của những thay đổi lớn và thường xuyên hơn thì mọi chuyện đã khác rồi.

Điều cốt lõi nhất để đạt được tư do tài chính là phải tích lũy đủ một lượng tài sản nào đó, để lợi suất sinh ra bù đắp đủ chi tiêu hàng năm. Dùng "Quy tắc 4%" nỗi tiếng trong tài chính cá nhân, nếu muốn chi 10 triệu / tháng tương đương 120 triệu / năm. Thì lấy 120 triệu chia 4% ta được tài sản cần phải có là 3 tỷ.

Giả sử 1 năm đi làm bạn tiết kiệm được 300 triệu, thì sau tối đa 10 năm sẽ có đủ 3 tỷ trong tay và sẵng sàng "về hưu sớm" rồi đó, kế hoạch đẹp như mơ há Nhưng mà tỉnh lại đi bạn ơi!

Nếu như tháng sau bạn bị sa thải và cần nữa năm để tìm việc hoặc thậm chí 1 - 2 năm để học kỹ năng cho công việc mới thì sao? Thu nhập của bạn sẽ không duy trì đều đặng như trước nữa mà sẽ có những đoạn giảm về 0, nghĩa là kế hoạch "tự do tài chính" của bạn cũng phá sản luôn. Mặt khác, tiền tiết kiệm bạn định sẽ để ở đâu? Nắm tiền mặt, gửi ngân hàng, mua vàng hay mua cổ phiếu?

Lạm phát 1 năm cũng quanh 4% rồi, những đoạn kinh tế bất ổn như thời covid thì có thể lên tới 5 - 6%, giữ tiền mặt hay gửi ngân hàng gần như là không có lời Còn giữ vàng, cổ phiếu thì trồi xụt liên tục vì các biến số kinh tế thay đổi ngày một nhanh hơn. Hôm nay đủ 3 tỷ, tháng sau còn 2 tỷ thì lại mất tự do tài chính rồi!

Thích nghi tài chính

Khái niệm "tự do tài chính" mong manh là vậy đó, nên cái bạn cần là khả năng thích nghi tốt. Mình gọi nó là "thích nghi tài chính" với 3 nền tảng lớn như sau:

Thứ nhất là lối sống tối giản, chỉ tiêu dùng những gì thực sự cần thiết nhất, chỉ trọng tâm làm những việc quan trọng nhất, chỉ giữ gìn những mối quan hệ ý nghĩa nhất mà thôi. Điều này tóm gọn ở câu nói khá nỗi tiếng "what doesn't kill you makes you stronger", hàm ý nếu bạn không gục ngã ở điều kiện tối thiểu nhất thì bạn có thể sống ở mọi điều kiện. Luyện tập được lối sống này sẽ giúp bạn gia tăng được sức đề kháng về tài chính trước những biến động ngày càng phức tạp của nền kinh tế hiện nay.

Thứ hai là đi tìm Ikigai, có nghĩa là "lẻ sống" đó. Nghe đơn giản nhưng vì bị cuốn vào nhịp sống hối hả hằng ngày nên chúng ta thường bỏ qua việc đi tìm ikigai cho bản thân. Áp lực cuộc sống, áp lực công việc dẫn tới áp lực trong gia đình đều xuất phát từ sự thiếu vắng ikigai trong cuộc đời, ngược lại khi có lẻ sống thì áp lực nào cũng vượt qua được. Tiền là quan trọng, nhưng nếu chỉ làm vì tiền thì sẽ khó gia tăng thu nhập và thăng tiến vì thiếu đi 3 thành tố còn lại: Điều bạn thích, điều bạn giỏi và điều thế giới cần.

Thứ ba là tận dụng sức mạnh AI. Bạn không cần phải tốn tiền cho những khóa học hàng chục triệu hay thuê chuyên gia thì mới có thể quản lý tài chính hiệu quả nhất. Nói công cụ đơn giản như ChatGPT thôi thì việc truy suất mọi kiến thức về tài chính, lẫn yêu cầu cách diễn đạt thế nào cho dễ hiểu đều đã tốt không thua kém gì một ông thầy. Rồi các ứng dụng AI hiện đại đã có thể thiết kế ra kế hoạch tài chính riêng cho bạn mà lại tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều so với các bạn chuyên viên tài chính

Cái kết

Vậy đó, thế giới thì chuyển biến không ngừng và tốc độ thay đổi lại ngày càng nhanh và khó đoán hơn. Hôm nay có việc ngày mai thất nghiệp từ từ sẽ thành chuyện bình thường. Ngoài việc nâng cấp kỹ năng và kiến thức, thì cái bạn cần là cái đầu lạnh, một tâm thế bình tĩnh trước những biến động và quan trọng hơn là khả năng thích nghi vượt trội.

Sau cùng nếu bạn thấy kiến thức này hữu ích thì hãy để lại bình luận, thích và chia sẻ với bạn bè của mình nhé. Xin chào và hẹn gặp lại!