Bẫy tài chính: Khi "môi giới" KHÔNG ĐÁNG TIN

Tài chính
BởiNhat Tien-25 tháng 3, 2025

Đó giờ nghe "môi giới chứng khoán", "sale bất động sản" nhiều rồi. Và mình nghĩ có thể bạn đang được vài người kiểu kiểu vậy hỗ trợ. Thế nhưng bạn đã thật sự hiểu rõ bản chất của nhóm người này, cũng như động cơ đằng sau những cử chỉ thân thiện, những lời nói ngọt ngào và những nụ cười tỏa nắng mà họ dành riêng cho bạn chưa? Và liệu nhóm người này có thực tự giúp bạn đưa ra những quyết định tài chính thông minh hơn không? Giờ cùng Mr. WAZA tìm hiểu sâu hơn nhé!

Họ là ai?

Nói tới "môi giới" thì có môi giới chứng khoán, "cò" thì có "cò bất động sản", "sale" thì đa dạng hơn từ "sale bảo hiểm", "sale tín dụng" cho tới "sale khóa học" này nọ. Điểm chung lớn nhất giữa các công việc này chính là sự kết nối người bán với người mua, cũng như thúc đẩy việc mua bán sản phẩm / dịch vụ liên quan nhanh chóng hơn. Bạn cứ nghĩ việc mua được cái nhà, chốt cái hợp đồng bảo hiểm hay tham gia một khóa học nào đó hoàn toàn là do bạn tự đưa ra quyết định một cách tự chủ đúng không?

Không hề, thật ra chúng ta không thích thay đổi đâu, mua cái gì mới hay làm điều gì khác lạ, thường sẽ rất phân vân và đắng đo, nhiều lúc lại quay xe phút cuối là chuyện bình thường. Chính những nhân vật nói trên trong màn kịch cuộc đời của bạn mới có thể giúp bạn chốt được những quyết định quan trọng, mà nếu để tự nhiên chắc vở kịch này sẽ kéo dài lê thê à. Thế nhưng câu hỏi quan trọng đó là: Liệu việc thúc đẩy bạn mua một cái gì đó nhanh hơn có thực sự giúp cuộc sống của bạn tốt hơn không?

Thử hỏi các cô chú trung niên về "môi giới chứng khoán", "cò đất", hay "sale bảo hiểm" đi. Khả năng cao bạn sẽ nhận về những cái lắc đầu ngao ngán đó. Giới trẻ bây giờ thì ít cảnh giác hơn, không chỉ vì độ mở trong tư duy, mà còn nhờ vào sự tiến hóa trong tên gọi của những nghề nghiệp như vậy. Họ không dám tự xưng là "môi giới chứng khoán" nữa, mà gọi mình là "chuyên viên tư vấn đầu tư". Thay vì là "sale bảo hiểm" thì giờ trở thành "chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân". Nếu bạn đã từng thấy qua những chức vụ "chuyên viên" đọc nghe sang mồm như vậy thì cũng đã hiểu rõ bản chất là gì rồi há

Tại sao họ lại thân thiện?

Không phủ nhận rằng, có những người sinh ra đã thân thiện rồi, nhưng sự thật là: Các "chuyên viên" lại được trả tiền để kết thân với bạn đó, không có gì là tự nhiên đâu nha. Họ càng làm bạn thấy gần gũi, thì lại càng dễ thúc đẩy bạn trong việc đưa ra quyết định mua hàng nhanh hơn và nhiều hơn. Vì sao hả?

Vì hoa hồng chứ còn gì nữa. Nói tới đây bạn cần hiểu một công ty sẽ có 2 hình thức trả lương cho nhân viên:

(1) Trả lương cứng đều đặng hàng tháng, có làm nhiều hơn thì cũng được trả có nhiêu đó, kiểu này phù hợp với các bạn làm kế toán, nhân sự, hành chính...

(2) Trả lương theo năng lực, làm càng nhiều thì càng được trả cao hơn, kiểu này chính là cơ chế mà các bạn "chuyên viên" hay nhân viên kinh doanh thường được chi trả đó

Và cũng chính cơ chế này quyết định phần lớn hành vi và sự dễ mến của các "chuyên viên", vì nếu bán không được hàng thì cũng đồng nghĩa với thất nghiệp Nhìn rộng ra, bạn sẽ thấy những ngành cạnh tranh cao với sản phẩm tương đồng như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản sẽ phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ "chuyên viên" này. Thử nghĩ xem, nếu sản phẩm của bạn tốt và khác biệt thì khách hàng dùng xong sẽ tự giới thiệu tới bạn bè. Chứ tội gì phải đi thuê ai đó năng nĩ họ mua đúng không?

Tóm lại, khi một "chuyên viên" nào đó tiếp cận bạn, đừng để sự thân thiện của họ đánh lừa để rồi phải đưa ra những quyết định tiêu dùng hay quyết định tài chính sai lầm nha. Cái bạn cần quan tâm chỉ nằm ở 2 điều: (1) Nhu cầu thực tế của bản thân và (2) năng lực thực tế của bạn "chuyên viên" kia. Có vậy thôi!

Làm cách nào để không bị thao túng?

Vậy tại sao bạn phải hiểu nhu cầu thực tế của bản thân ngay từ đầu? Trong giới bán hàng hay dùm một kỹ thuật nghe khá là bác học, đó là: "Khai thác nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng". Google thử đi, bạn sẽ có cơ hội hiểu được vô số cách thức mà các nhân viên sale tác động đến quyết định mua hàng của bạn ra sao Nói thẳng ra là họ sẽ dùng các đòn tâm lý để làm bạn cảm thấy mình muốn cái thứ mà ngay từ đầu bạn còn không biết là mình có thực sự muốn hay không! Ảo diệu chưa!

Nên việc hiểu rõ và bám sát nhu cầu của bản thân ngay từ đầu sẽ giúp bạn tỉnh táo và sáng suốt hơn trước các chiêu trò thao túng tâm lý như vậy Thế rồi làm sao để đánh giá được năng lực của họ? Bạn nên nhớ, các chuyên viên được trả tiền để thuyết phục bạn mua những thứ mà họ bán, chứ không phải là giúp bạn chọn sản phẩm phù hợp nhất

Thế nên, một chuyên viên có tầm sẽ vượt ra khỏi quy luật này để giúp bạn thấy được nhiều lựa chọn hơn bên cạnh sản phẩm của họ, đó là biểu hiện của sự hiểu biết. Hơn nữa, những chuyên viên giỏi rất hạn chế dùng những kỹ thuật thao túng tâm lý nói trên, mà đi thẳng vào nhu cầu thực tế của bạn để tìm giải pháp cho phù hợp. Vậy đó, gặp một bạn chuyên viên mà không đạt được những điều kiện này thì bạn nên tự quyết định là tốt nhất nhe

Tương lai không có "môi giới"

Nhưng nói là nói vậy thôi, chứ tìm được một bạn như thế cũng không khác gì mò kim đáy bễ. Vì những người chính trực thì lại không bán được nhiều sản phẩm so với một bạn dẻo miệng dẻo mồm, và sớm muộn cũng bị đào thải khỏi ngành vì cạnh tranh không lại. Nói tới đây thì bạn đã thấy được nghịch lý trong cái ngành này chưa?

Sự tồn tại của những chuyên viên này sẽ chỉ làm thiệt hại tới lợi ích của chúng ta về lâu dài, bởi người trụ lại được thì hiếm khi là người có tâm . Vậy nếu một xã hội loại bỏ được hoàn toàn các chuyên viên như vậy thì tương lai tiêu dùng của chúng ta sẽ ra sao?

Thứ nhất, xu hướng số hóa hoạt động kinh doanh đang làm cho sự minh bạch về thông tin sản phẩm ngày một tốt hơn, muốn mua gì google phát ra ngay chứ cần gì ai hỗ trợ.

Thứ hai, công nghệ AI có thể đóng vai trò là một bên độc lập giúp bạn tổng hợp và so sánh các sản phẩm tiêu dùng hay cả sản phẩm tài chính một cách khách quan hơn. Thậm chí AI có thể đưa ra những tư vấn thiết kế riêng cho bạn nếu được cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu của bản thân, mà lại chỉ tốn có vài giây thôi nha.

Thứ ba, khi loại bỏ được lớp chuyên viên trung gian, giá sản phẩm sẽ trở nên rẻ hơn bởi các công ty không phải trả hoa hồng để duy trì các phòng ban kinh doanh nữa.

Sau cùng, chúng ra sẽ lại được làm chủ những quyết định tiêu dùng của mình thay vì phải hoang phí bởi những lời hoa mỹ của các chuyên viên chỉ muốn bán cho bạn càng nhiều càng tốt.

Cái kết

Bạn thấy đó, gọi chuyên viên này chuyên viên nọ cho sang mồm, nhưng phải hiểu bản chất sau cùng họ cũng chỉ là "môi giới", "cò" hay "sale" và chỉ làm vì hoa hồng mà thôi. Phải nhận ra được sự thật này thì mới có thể kiểm soát được hành vi tiêu dùng của bản thân trước những lời thuyết phục hoa mỹ, trí thông minh tài chính xuất phát từ chỗ này chứ đâu.

Sau cùng nếu bạn thấy kiến thức này hữu ích thì hãy để lại bình luận, thích và chia sẻ với bạn bè của mình nhé. Xin chào và hẹn gặp lại!