Ông Trump đánh thuế, tương lai bạn sẽ ra sao?
Đó giờ nghe thương chiến, chắc bạn chỉ nghĩ tới việc Mỹ và Trung Quốc đánh thuế lẫn nhau như năm 2018, và đó cũng là chuyện ở đâu đâu chả liên quan gì tới bạn đúng không? Chuẩn đó! Nhưng vào ngày 3/4/2025, Trung Quốc không còn cô đơn nữa bởi vì Mỹ đã quyết định đánh thuế tất cả các quốc gia còn lại, và tương lai của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Vậy tình hình tài chính, công việc và cuộc sống của bạn trong những năm sắp tới sẽ như thế nào? Hãy cùng Mr. Waza trả lời câu hỏi này nhe!
Thuế là gì?
Coi mấy bộ phim thời phong kiến như kiểu Bao Thanh Thiên, thì việc các quan lại, vua chúa đi thu thuế sưu là chuyện bình thường, và thuế thời hiện đại cũng không khác nhiều về mặt bản chất. Trong một xã hội, số ít người có quyền lực nhất thường sẽ có xu hướng tận dụng, thậm chí là lợi dụng công sức, nguồn lực được tạo ra từ số đông người thuộc tầng lớp thấp kém hơn. Nhưng nếu việc khai thác, tận thu nguồn lực này trở nên quá mức thì sẽ dễ dẫn tới sự phản khán từ số đông trên quy mô lớn, hay còn gọi là những cuộc cách mạng, khởi nghĩa.
Thế nên nhóm người có quyển lực sẽ phải cân đối giữa những thứ mà họ lấy từ số đông và rủi ro quyền lực này có thể bị lật đổ, từ đó mà thuế sưu cũng được chuẩn hóa. Nhưng điều thú vị ở thời hiện đại là ở chỗ, thuế không chỉ phục vụ cho một mục tiêu duy nhất là giúp người có quyền lực tích lũy của cải càng nhiều càng tốt như ngày xưa. Mà nó còn trở thành công cụ để giúp nhóm người này quản lý xã hội một cách bền vững hơn, ví dụ như điều hành kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường và các chính sách đối ngoại.
Thấy khoản cách giàu nghèo quá lớn có thể dẫn tới xung đột, thậm chí là phản động, vậy là có thuế thu nhập cá nhân nhằm phân bỗ lại tiền của người giàu để chăm lo cho người nghèo.
Thấy người dân đầu cơ bất động sản quá mức, thế là có thuế tài sản đánh trên miếng đất được bán nhằm hạn chế việc mua đi bán lại mà không tạo ra giá trị gì cho xã hội.
Thấy mua siêu xe là lãng phí nguồn lực xã hội, thì đã có thuế nhập khẩu và cả thuế tiêu thụ đặt biệt rất cao được áp lên những loại xe như Lamborghini, Ferrari hay Bugatti.
Nói cho đơn giản, chính phủ không thích bạn làm gì, thì sẽ đánh thuế vào đó để hạn chế hành vi của bạn và ngược lại, giảm thuế để khuyến khích bạn làm điều mà họ mong muốn
Thương chiến 1.0
Giờ trở lại với vị tổng thống nhiều tai tiếng Donald Trump, để hiểu rõ hơn về cuộc thương chiến 1.0 mà ông phát động, kể từ lúc vào nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2017 nhe.
Nếu thấy Trung Quốc xuất khẩu hàng giá rẻ ồ ạc vào thị trường nước nhà, mà các công ty trong nước dù đã giảm giá thê thảm nhưng vẫn không cạnh tranh lại, bạn sẽ làm gi?
Nếu thấy phần lớn hàng hóa của quốc gia lại phải mang qua Trung Quốc cho công nhân của họ gia công thay vì để người dân của mình có công ăn việc làm, bạn sẽ làm gì?
Và nếu thấy những công ty lớn của Trung Quốc có thể thoải mái sang nước bạn kinh doanh khai thác, nhưng lại hạn chế các công ty lớn của bạn làm điều tương tự thì bạn sẽ làm gì?
Đó là những câu hỏi mà ông Trump đã tự vấn trong nhiều năm để rồi đi đến câu trả lời rõ ràng và dứt khoát: Đánh thuế cho tới khi mang lại được sự công bằng cho nước Mỹ!
Muốn Trung Quốc không bán giá rẻ? Đánh thuế nhập khẩu thật cao vào hàng hóa của họ, ví dụ như thép lên tới 25%, vậy là hàng Trung Quốc đắt hơn, thành ra cứu được công ty trong nước.
Ngược lại, muốn các công ty mang công ăn việc làm về cho người Mỹ? Chỉ cần giảm thuế cho doanh nghiệp từ 35% về 21% với đạo luật "Tax Cuts and Jobs Act" để mời gọi họ về Mỹ.
Muốn kinh doanh công bằng hơn? Đơn giản là đưa các công ty của Trung Quốc như Huawei, SMIC hay gần đây là Tiktok vào danh sách đen để có thể hạn chế hoạt động kinh doanh của họ.
Và dĩ nhiên Trung Quốc đã phản đòn mạnh mẽ thông qua những động thái tương tự từ đánh thuế lên các loại nông sản của Mỹ cho tới phong tỏa thị trường ảnh hưởng tới Apple hay Boeing. Kết quả là gì? Giao thương toàn cầu bị gián đoạn, giá cả hàng hóa tăng cao, Mỹ không được gì nhiều, Trung Quốc chửng tăng trưởng nhưng được cái không còn phụ thuộc kinh tế nhiều vào Mỹ nữa
Thương chiến 2.0
Trump rời nhà Trắng năm 2021, để lại một mớ hỗn độn cho chính quyền của Joe Biden phải sắp xếp, nhưng cái trớ trêu của chính trị Mỹ là 4 năm sau Trump lại trổi dậy một lần nữa. Nhất quán với tuyên ngôn "America First", thương chiến phiên bản 2.0 lại được kích hoạt vào ngày 3/4/2025 với một bảng thuế dài đăng đẳng cho 180 quốc gia đi kèm là mức thuế suất cao ngất ngưỡng luôn. Ông gọi nó là "thuế đối ứng", hay cho dễ hiểu là thuế trả đủa nhằm ép các quốc gia phải ngồi vào bàn đàm phán để đi đến nhũng thỏa thuận thương mại có lợi nhất cho nước Mỹ.
Bảng này cũng dễ hiểu thôi, ai có thặng dư thương mại với Mỹ 10% thì Mỹ đánh thuế lại 10%, ai có thặng dư thương mại nhiều hơn 10% thì Mỹ đánh thuế lại bằng phân nữa số đó. Con số thặng dư của Việt Nam với Mỹ lên tới 90%, nên bị nhận lại một quả thuế tới 46% hơn mức trung bình trước nay chỉ 10 - 20%, đúng là một đòn chí mạng há.
Nếu thương chiến 1.0 chỉ làm cho giao thương gián đoạn, thì phiên bản 2.0 có quy mô khủng hơn nhiều lần, và rất có thể sẽ đưa tất cả chúng ta vào một cuộc suy thoái kinh tế mới. Như Trung Quốc đã từng đáp trả ở cuộc thương chiến 1.0, các khu vực kinh tế lớn như EU cùng 180 quốc gia còn lại sẽ có những cách phản khán riêng để bảo vệ lợi ích của mình.
Nhưng hãy tưởng tượng, nếu đứa lớn đầu đánh vài đứa nhỏ, chúng sẽ chịu thua, nhưng nếu là một đám có cả trăm đứa nhỏ thì tụi nó sẽ đoàn kết lại và xử luôn đứa to đầu này! Và nếu viễn cảnh này diễn ra với Mỹ, thì một cuộc tổng phản công đánh thuế ngược lại từ các quốc gia nhỏ hơn là hoàn toàn có thể xảy ra nếu họ đồng ý liên minh lại. Và một khi những hàng rào thuế quan được dựng lên khắp mọi nơi thì tương lai sẽ ra sao? Và bạn cần chuẩn bị những gì để có thể sống tốt trong một tương lai bất ổn như vậy?
Chuẩn bị gì cho tương lai bất ổn?
Thương chiến xảy ra, các quốc gia tăng thuế để trả đũa lẫn nhau thì hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu cũng trở nên đắt đỏ hơn, từ đó giáng tiếp làm gia tăng lạm phát trong tương lai. Thế nên, bạn hãy chuẩn bị cho một viễn cảnh mà mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ hơn một cách nhanh chóng, và việc làm quen dần với lối sống tối giản là một kỹ năng cần phải có. Việc chỉ chi tiêu cho những thứ thực sự cần thiết sẽ giúp bạn quản lý được ngân sách để có thể duy trì tỷ lệ tiết kiệm hay tỷ lệ dư trên 30% mỗi tháng.
Thêm nữa, vì những chính sách bất ổn của ông Trump, tương lai của chúng ta sẽ trở nên khó đoán hơn bao giờ hết, nên việc tích lũy cho tương lai cần phải được thực hiện ngay bây giờ. Nghĩa là, tiền dư ra mỗi tháng nên được ưu tiên đầu tư như gửi ngân hàng, mua vàng hay mua cổ phiếu, để đảm bảo tỷ lệ đầu tư lớn hơn 30% thì mới gọi là an toàn.
Rồi bên cạnh cơn bão thương chiến, chúng ta sẽ phải đối mặt với cơn bão thứ hai mang tên AI, nhân tố có thể làm các bạn thất nghiệp trên quy mô lớn trong 5 năm tới. Và thu nhập của bạn sẽ không còn ổn định nữa, thế nên hãy cố gắng giữ tỷ lệ nợ không vượt quá 30%, điều này sẽ cho bạn một tâm thế thoải mái hơn trước những biến động lớn.
Mình có làm video chi tiết về 3 con số tài chính quan trọng này, có thể giúp bạn cân bằng hơn trong vấn đề tài chính cá nhân, link nằm ở bên dưới, bạn hãy tìm xem nhé.
Link: https://www.youtube.com/watch?v=9JbFWs422TE
Sau cùng, bạn có biết ông Trump từ lâu đã muốn sửa "Tu chính án thứ 22", để có thể giữ ghế tổng thống hơn 2 nhiệm kỳ, thậm chí là giữ trọn đời như Putin hay Tập Cận Bình? Mỗi lần Trump làm tổng thống là thế giới đảo lộn, vậy tương lai sẽ ra sao nếu giấc mơ "Hoàng đế trọn đời" của ông trở thành hiện thực? Sẽ còn bao nhiêu cơn bão nữa ở phía trước?
Cái kết
Mình dùng câu hỏi mở này để tạm kết thúc ở đây, và sau khi xem xong, bạn hãy giành thời gian suy nghĩ thật sâu sắc về tương lai của bản thân để bắt đầu hành động nhé. Có thể viễn cảnh mình vẽ nên sẽ không tệ tới mức như vậy, nhưng tương lai là điều khó đoán định được chắc chắn 100%, nên việc chuẩn bị, dự phòng trước là không hề thừa đâu.
Sau cùng, nếu bạn thấy nội dung này hữu ích cho bạn bè của mình đừng quên để lại bình luận, thích và chia sẻ nhe, xin chào và hẹn gặp lại!