RỦI RO là gì? | 2 | Kiến thức tài chính

Kiến thức tài chính
BởiNhat Tien-30 tháng 6, 2025

Cách đây 40 năm, nước ta đã từng có một đại gia nỗi danh đình đám như ông Phạm Nhật Vượng hay bà Trương Mỹ Lan thời bây giờ. Giàu lên từ sự phát triển của thị trường tài chính, nhưng rồi lại sụp đỗ cũng vì 2 chữ: Rủi ro. Ông ta là ai? Và bạn học được gì trong việc quản lý rủi ro tài chính cá nhân? Đây là Waza - Quản gia tài chính của bạn!

Tỷ phú Việt Nam đời đầu

Vào những năm 1990, sau khi Việt Nam mở cửa, nói tới Tăng Minh Phụng thì ai cũng biết, bởi đây có thể gọi là tỷ phú Việt Nam đời đầu. Tập đoàn Minh Phụng của ông đã phất lên nhờ hoạt động đa ngành: Từ bất động sản cho tới xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng, xe máy và đồ điện tử. Đất của ông cũng không thua gì bác Vượng, không những nhiều mà còn ở toàn những nơi đắc địa, ví dụ như khách sạn New World ở Quận 1. Khi có quá nhiều tiền, người ta dễ sinh ra ảo tưởng sức mạnh, và nghĩ rằng bản thân có thể thao túng cả hệ thống theo ý mình. Tăng Minh Phụng đã lợi dụng sự lỏng lẻo của hệ thống ngân hàng sơ khai thời bấy giờ, để vay hàng ngàn tỷ bằng tài sản đảm bảo trùng lập. Tiền không mang đi kinh doanh mà lại được chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài qua hình thức nhập khẩu ảo, nghĩa là hàng không về nhưng tiền vẫn ra đi. Thế rồi khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 ập tới, bất động sản đóng băng, kinh doanh thua lỗ, ngân hàng siết nợ và đế chế Minh Phụng cũng sụp đỗ theo.

Rủi ro là gì?

Suy cho cùng, Tăng Minh Phụng là một người kiếm tiền rất giỏi vì đã tận dụng được thời thế, nhưng ông lại giữ tiền và quản trị rủi ro chưa tốt. Vậy rủi ro nên được hiểu như thế nào? Và nó có ý nghĩa gì trong việc quản lý tài chính doanh nghiệp cũng như tài chính cá nhân của bạn?. Trước giờ nói tới rủi ro, chúng ta thường nghĩ tới tai họa, cũng như những điều tiêu cực có thể xảy ra và gây thiệt hại đáng kể. Thế nhưng giả sử có một tên giang hồ tới hù dọa sẽ đốt nhà bạn vào sáng mai, bạn có nghĩ đây là một rủi ro không? Mặt dù chưa biết hắng có làm thật hay không, nhưng rõ ràng có một khả năng nhỏ là nhà bạn sẽ cháy vào sáng mai rồi đó. Tuy nhiên nếu bạn có đủ bằng chứng khẳng định chắc chắn 100% hắn sẽ đốt nhà bạn vào sáng mai, thì đây còn gọi là rủi ro nữa không? Dĩ nhiên là không rồi, vì nếu là như vậy thì bạn phải báo công an bắt hắn trước khi điều đó xảy ra, bạn có nghĩ vậy không?

Rủi ro tài chính

Như bạn thấy đó, cái gì xấu mà chắc chắn xảy ra thì chưa hẳng là rủi ro, vì nếu như vậy chúng ta đã có phương án phòng tránh cả rồi. Ngược lại, cả những việc không xấu nhưng nếu không chắc chắn về khả năng xảy ra cũng có thể được xem là rủi ro nữa đó. Ví dụ như mỗi tháng bạn thường nhận lương vào ngày 1, nhưng sếp bạn thông báo việc thanh toán gặp trục trặc, chưa biết trả lương vào ngày nào tháng sau. Mặt dù biết chắc chắn sẽ được trả đủ lương, nhưng việc không rõ khi nào nhận sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch chi tiêu của gia đình bạn. Tóm lại, rủi ro khác với thiệt hại, nếu thiệt hại nói lên mức độ mất mát, thì rủi ro lại là khả năng xảy ra điều đó. Và trong thế giới tài chính, cái gì càng dễ đoán ví dụ như lãi suất gửi tiếp kiệm của quý tiếp theo, được xem là có rủi ro thấp. Nhưng lợi nhuận từ việc đầu tư cổ phiếu trong 3 tháng tới lại rất khó đoán, nghĩa là rủi ro sẽ cao hơn gửi tiết kiệm rất nhiều.

Rủi ro cao lợi nhuận cao

Nhân tiện nói tới rủi ro, chúng ta cũng cần phải nhắc lại câu thần chú kinh điển trong thế giới tài chính: High risk, high return. Nghe thì nhiều rồi, nhưng có bao giờ bạn thắc mắc tại sao làm cái gì đó rủi ro càng cao thì thành quả nhận lại cũng cao hơn không? Giả sử có 2 cổ phiếu A và B tạo ra lợi nhuận như nhau, nhưng cổ phiếu A lại có biến động khó đoán hơn, nghĩa là rủi ro cao hơn. Vậy bạn chọn cổ phiếu nào? Dĩ nhiên là cổ phiếu B rồi, nhưng khi ai cũng thấy được điều đó, họ sẽ đổ xô vào mua cổ phiếu B. Từ đó đẩy giá cổ phiếu B lên cao hơn so với cổ phiếu A, nghĩa là cổ phiếu B đã đắt hơn và lợi nhuận tiềm năng cũng đã giảm rồi. Ví dụ này cho bạn thấy 2 điều: Một, câu thần chú kia không phải lúc nào cũng đúng, nghĩa là cơ hội rủi ro thấp mà lợi nhuận cao vẫn có. Hai, những cơ hội này sẽ sớm biến mất nếu có quá nhiều người phát hiện ra và việc mua bán của họ sẽ làm mọi thứ cân bằng lại.

Cách hạn chế rủi ro

Nếu nói rủi ro là sự không chắc chắn thì gần như mọi thứ xung quanh chúng ta đều có rủi ro, vậy làm sao để hạn chế ảnh hưởng của chúng? Nói về tài chính cá nhân, bạn sẽ không biết khi nào mình đổi việc hay thậm chí là thất nghiệp trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay. Cách đầu tiên là xây dựng những "miếng đệm tài chính", hay còn gọi là quỹ dự phòng từ 3 - 6 tháng chi tiêu, nhiều hơn thì càng tốt. Về cuộc sống, bạn cũng không biết chuyện bất trắc sẽ xảy ra khi nào, và nếu xảy ra thì nó sẽ ảnh hưởng tới gia đình bạn ra sao. Cách thứ hai là mua bảo hiểm, có chuyện gì đi nữa thì những nghĩa vụ tài chính của bạn với gia đình con cái vẫn sẽ được duy trì. Nói về đầu tư, cổ phiếu tăng giảm thất thường, nhiều lúc cần tiền rút ra ngay lúc thị trường giảm mạnh thì lại phải cắt lỗ. Thế nên, cách thứ ba là đa dạng hóa danh mục, nắm nhiều loại tài sản khác nhau, cái này giảm thì cái khác tăng bù lại sẽ an toàn hơn

Cái kết

Sau cùng, dù bạn có làm gì thì rủi ro có thể giảm, nhưng rất khó loại bỏ hoàn toàn, vì đây là một phần của cuộc sống rồi. Nhưng mình mong rằng bạn sẽ có được cái nhìn cụ thể hơn về rủi ro và biết cách đối mặt với nó một cách bình tĩnh và khoa học hơn. Sau cùng đừng quên bình luận, thích và chia sẻ nha, xin chào và hẹn gặp lại!

RỦI RO là gì? | 2 | Kiến thức tài chính | Wise Capital